Từ chiều ngày 30.5.2014, quý chị em Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tập trung đông đảo về tại Nhà Mẹ, để chuẩn bị Mừng Lễ Kỷ niệm 90 năm Hội Dòng được phép Đức Cha Allys Lý quy tụ các mầm non ơn gọi đầu tiên. Mặc dù thời tiết ở Huế lúc này thật nóng nực, nhưng tình chị em hiệp nhất, yêu thương, vui vẻ, tạo nên một bầu khí phấn khởi hân hoan, chân tình và hạnh phúc. Tiếng cười nói chào nhau, tay bắt mặt mừng sau bao ngày xa cách vì sứ vụ truyền giáo mỗi người một phương, giờ có dịp hội tụ bên nhau thật là vui. Toàn thể khuôn viên của Hội Dòng được trang hoàng hoa, lồng đèn, điện và những tấm phướng bay phất phới với muôn lá cờ ngũ sắc góp phần sinh động và nhộn nhịp hơn nữa cho ngày lễ. Đoàn xe cựu tu sinh của Hội Dòng cũng đã về đến và được tiếp đón bằng hết cả con tim tràn niềm vui của quý chị em trong Dòng.
Mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
Từ chiều ngày 30.5.2014, quý chị em Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tập trung đông đảo về tại Nhà Mẹ, để chuẩn bị Mừng Lễ Kỷ niệm 90 năm Hội Dòng được phép Đức Cha Allys Lý quy tụ các mầm non ơn gọi đầu tiên.
Mặc dù thời tiết ở Huế lúc này thật nóng nực, nhưng tình chị em hiệp nhất, yêu thương, vui vẻ, tạo nên một bầu khí phấn khởi hân hoan, chân tình và hạnh phúc. Tiếng cười nói chào nhau, tay bắt mặt mừng sau bao ngày xa cách vì sứ vụ truyền giáo mỗi người một phương, giờ có dịp hội tụ bên nhau thật là vui. Toàn thể khuôn viên của Hội Dòng được trang hoàng hoa, lồng đèn, điện và những tấm phướng bay phất phới với muôn lá cờ ngũ sắc góp phần sinh động và nhộn nhịp hơn nữa cho ngày lễ. Đoàn xe cựu tu sinh của Hội Dòng cũng đã về đến và được tiếp đón bằng hết cả con tim tràn niềm vui của quý chị em trong Dòng.
Đúng 19g30, mọi người tập trung tại Hội Trường của Dòng để cùng tham dự giờ diễn nguyện, sống lại các biến cố lịch sử của Hội Dòng, nhìn lại muôn vàn Hồng Ân của Chúa để cùng nhau dâng lời cảm tạ tri ân.
Tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng,
Khởi sinh, phát triển, sống cùng chúng con.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Tình thương Thiên Chúa vuông tròn thủy chung.
90 năm nhìn lại để ghi nhớ công ơn của Cha Giuse Trần Văn Trang, Đấng Sáng Lập Hội Dòng, ghi nhớ công ơn của Quý Đức Cha, quý Cha và toàn thể quý Ân Nhân xa gần, còn sống hay đã qua đời, đã thương yêu giúp đỡ, đồng hành với chị em trong Hội Dòng bằng tinh thần lẫn vật chất... Hình ảnh của từng vị Ân nhân được chiếu lên màn hình, hay được chị em diễn cảnh sống lại giây phút xa xưa thuở ấy rất cảm động với lòng biết ơn sâu xa.
Năm nay, tuy Mừng Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Dòng, nhưng chị em không tổ chức rầm rộ bên ngoài, song chủ yếu canh tân tinh thần của mỗi chị em, bằng cách đào sâu, suy nghiệm và quyết tâm theo gương sống thánh của Cha Giuse, Đấng Sáng Lập và của quý chị đi trước.
Đúng 06g00 ngày 31.5.2014, tiếng chuông Nguyện Đường rộn rã vang lên, báo hiệu giờ cao điểm Mừng Lễ 90 Năm khai sinh Hội Dòng được khởi đầu bằng đoàn rước long trọng, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và một số Linh mục trong Tổng Giáo Phận Huế tiến lên Bàn Thờ đi vào Thánh lễ Mừng Đức Mẹ Đi Viếng Bà Isave, Bổn Mạng của Hội Dòng.
Lời đầu Thánh lễ, Đức Tổng nhắn nhủ:
“Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta đang sống trong năm mục vụ Phúc Âm hóa Gia đình của Giáo Hội Việt Nam, lễ Mẹ đi thăm gia đình ông Zacaria mang một ý nghĩa của một lời mời gọi mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt những tâm hồn sống đời tận hiến, cộng tác giúp đỡ các gia đình sống đúng sứ mạng mà Chúa đã giao phó. Hôm nay còn là ngày cuối cùng của tháng Mẹ, lễ Mẹ Đi Viếng vào cuối tháng hoa cũng mở ra một chân trời mới cho đời sống người Kitô hữu nói chung và cách riêng những tâm hồn tận hiến đã bước theo Mẹ ra đi mang hoa tình yêu, hoa phục vụ để trao tặng cho mọi người và mọi gia đình. Hôm nay Hội Dòng lại còn mừng lễ Mẹ Đi Viếng trong dịp kỷ niệm 90 năm nhóm chị em đầu tiên được qui tụ để khai sinh ý định thành lập Dòng. Hạt mầm đã được mọc lên từ Cha Giuse Trần Văn Trang, vào năm 1924, với ước mong có rất nhiều tâm hồn tận hiến noi gương Mẹ ra đi mang Chúa cho lương dân. Trong tâm tình hiệp thông, cộng đoàn hiện diện xin chúc mừng lễ Bổn Mạng của chị em, chúc mừng chặng đường 90 tuổi của Hội Dòng và sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ cầu xin Chúa cho các chị em Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, luôn họa lại ảnh Mẹ trong cuộc đời của mình, để trở thành những nữ tỳ quảng đại và khiêm tốn mang tin vui đến cho mọi gia đình bằng chính cuộc sống phục vụ và yêu thương như Mẹ”.
Mọi người cùng hiệp lòng sốt sắng tham dự Thánh lễ, muôn lời ca tiếng hát dạt dào tâm tình tri ân cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, vang lên dìu dặt, trầm bổng cả Nguyện Đường bay vút lên cao thấu tận Thiên Đình. Đặc biệt, ai cũng chăm chú lắng nghe huấn từ của Đức Tổng sau bài Tin Mừng:
“Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Năm mục vụ Phúc Âm hóa Gia đình của Giáo Hội Việt Nam nhằm đem lại niềm vui Tin Mừng đến với mỗi gia đình, với ước mong mỗi thành viên của gia đình: vợ, chồng, cha mẹ, con cái sống đúng tinh thần Phúc Âm, nghĩa là thi hành Thánh Ý Chúa để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta biết theo sự khôn ngoan muôn đời của Thiên Chúa, con người được sinh ra trong một gia đình có mẹ có cha, dưới một mái ấm tình thương, lớn lên và phát triển một cách hài hòa nhờ sự nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình, của tôn giáo, của xã hội. Khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài không muốn chọn con đường khác, Ngài cũng muốn được sinh ra, lớn lên trong một gia đình như mọi người. Lễ Mẹ Đi Viếng có thể nói là một cuộc gặp gỡ không phải giữa hai cá nhân mà thôi, mà một cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình, gia đình của Mẹ Maria và gia đình của Bà Êlisabet. Chúa Giêsu qua Mẹ Maria, đã đến thăm viếng gia đình và thánh hóa gia đình của Ông Zacaria.
Trong chương trình ban đầu của Thiên Chúa, gia đình phải là một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, một mái ấm tình người, một trường học giáo dục nhân bản và đức tin, một cái nôi ươm mầm và bảo vệ sự sống. Nhưng rồi vì tội lỗi, cái khung lý tưởng ban đầu đó đã bị lệch lạc, bị bóp méo hay bị phá hủy. Gia đình cũng có thể đã rơi vào sự khủng hoảng trầm trọng, gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho con người, cho cả xã hội. Hôm nay hàng ngày, các phương tiện truyền thông cho chúng ta được nghe nói nhiều về những đổ vỡ, tan nát, bạo hành, ly dị, phá thai, tổ ấm trở thành tổ lạnh, trở thành địa ngục trần gian. Vợ chồng coi nhau như thù địch, con cái không được nuôi dưỡng, yêu thương để thành người. Những đứa bé bỏ nhà đi hoang, trở thành nạn nhân của bạo lực của tệ đoan xã hội. Dĩ nhiên, chúng ta không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng cũng đừng có ngây thơ để nhắm mắt trước những thảm họa thực sự đang đe dọa tinh thần và tâm linh của con người.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, đã lưu ý chúng ta về điểm này, khi Ngài viết rằng không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hóa đáng lo ngại về một số giá trị căn bản, một quan niệm sai lầm về lý thuyết và thực hành, về sự độc lập của hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái. Con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc sử dụng các phương tiện triệt sản ngày càng nhiều, việc thi hành một não trạng chống thụ thai. Và như thế, tình cảnh của gia đình trong thế giới hôm nay là một sự pha trộn giữa bóng tối và sự sáng. Nguyên nhân các thoái hóa của gia đình hôn nhân thì có nhiều, nhưng nền tảng của sự khủng hoảng này phần lớn bắt nguồn từ đời sống thiếu đạo đức, từ chối tình thương của Thiên Chúa và bỏ bê sự cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích. Nói tóm lại, những con người từ chối Thiên Chúa, lạm dụng tự do, đề cao tinh thần hưởng thụ, bất chấp quyền lợi của kẻ khác và lề luật tự nhiên.
Là con cái của Giáo Hội, nhất là những tâm hồn tận hiến, chúng ta có thể đóng góp gì cho sự hàn gắn, củng cố để Phúc Âm hóa gia đình hôm nay? Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng Hội Dòng trước hết cũng là một gia đình, có bề trên, bề dưới, có chị, có em, mỗi thành phần của đại gia đình này phải Phúc Âm hóa chính bản thân mình trước, đó là sống kết hiệp với Chúa Giêsu, để có thể nói như Thánh Phaolô: Không phải tôi sống, mà Chúa Kitô đang sống trong tôi. Mỗi thành viên của cộng đoàn được mời gọi sống tâm tình yêu thương, thuận hòa, phục vụ và tha thứ. Và khi đã có Chúa trong lòng rồi, chúng ta mới nói đến bước thứ hai, đó là ra đi, mang Chúa đến cho người khác như Linh đạo của Hội Dòng đề ra. Món quà lớn nhất mà Mẹ Đi Viếng trao tặng cho gia đình ông Zacaria chắc chắn không phải là tiền bạc, quà cáp, nhưng là chính Chúa Giêsu mà Mẹ đang mang theo trong tâm hồn. Chính Chúa Giêsu, qua tác động Chúa Thánh Thần, đã gợi lên những cảm xúc của các nhân vật chính của buổi gặp gỡ hôm nay. Bà Êlisabet ngỡ ngàng vui sướng, bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Thánh Gioan Tiền Hô nhảy mừng vì nhận ra Chúa Giêsu trong dạ Mẹ đã đến với mình, và chính Mẹ Maria cũng ý thức được sự thúc đẩy của Thánh Thần, cất cao lớn tiếng hát bài ca tụng tình thương của Chúa vì Ngài đã làm những việc trọng đại cho Mẹ.
Chớ gì mỗi chị em có cơ hội để viếng thăm các gia đình đang sống chung quanh tu viện này. Chị em cũng phải như Mẹ, ra đi với Chúa Giêsu trong tâm hồn. Tiền bạc, của cải vật chất, chỉ là phương tiện thứ yếu. Món quà quan trọng nhất, là niềm vui Tin Mừng, nhất là chính Chúa Giêsu. Mẹ Têrêxa Calcutta nói rất chí lý: Không cho Chúa Giêsu, là chưa cho gì hết.
Trong chương trình huấn luyện kỹ năng cho những người làm bác ái xã hội, chúng ta nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý của người cho cũng như người nhận, thái độ nhã nhặn, khiêm tốn, tinh thần vui tươi phục vụ, nhất là có đức tin để nhìn thấy Chúa trong những người bất hạnh mà mình đang giúp đỡ. Đó là yếu tố quyết định đến cho sự cộng tác giữa ơn Chúa, giữa của cải vật chất đem đến cho người nhận một cái nhìn mới trong tình yêu và một sự nồng ấm trong tâm hồn. Nếu không có tâm tình đó thì tất cả mọi hành vi của chúng ta cũng chỉ là những hình thức bên ngoài, không mang lại kết quả đạo đức nào.
Mẹ Maria đến với Bà Êlisabet, không phải với tư cách là Mẹ Thiên Chúa mà thôi, ngài đến để chúc mừng vì những hồng ân trọng đại, nhưng ngài đến với thân phận một nữ tỳ phục vụ của Thiên Chúa với gia đình Êlisabet. Tại sao Mẹ ở lại ba tháng? Chắc chắn không phải để nghỉ ngơi, để tham quan, nhưng Mẹ đến đó để giúp người chị họ trong thời kỳ sinh nở.
Là con cái của Đức Mẹ Đi Viếng, chắc chắn chị em cũng muốn nên giống Mẹ trong đời sống tận hiến của mình. Chị em hãy nhìn ngắm Mẹ, họa lại hình ảnh của Mẹ trong đời sống mình mỗi ngày, hòa hợp tinh thần đơn sơ, khó nghèo, phó thác, giữ Chúa Giêsu trong tâm hồn và luôn ra đi với Chúa Giêsu để trao ban lại cho tha nhân bằng một thái độ vui tươi, tận tụy, yêu thương, và phục vụ. Xin Mẹ đồng hành với quý chị trong cuộc đời tận hiến và trong quá trình phục vụ các gia đình.
Cuối Thánh lễ, Chị Tổng Phụ Trách, đại diện chị em, nói lên lời cám ơn Đức Tổng Phanxicô Xaviê, quý Linh mục đồng tế, và quý Tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể Ân Nhân, Thân nhân và các cựu tu sinh của Dòng đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Hội Dòng. Trong tâm tình tri ân, chị kính mời Đức Tổng và tất cả mọi người dành thêm ít phút để ở lại cùng chia sẻ bữa cơm thân mật với gia đình Hội Dòng.
Sau Thánh lễ, niềm vui tràn trào tình thân ái, vui tươi, được diễn ra tròn đầy trong bữa cơm của gia đình Hội Dòng. Lúc này đây, những tiếng nói cười, chúc mừng, cảm ơn... tiếp tục rộn rã vang lên. Những câu chuyện xưa và nay thật giòn giã vang lên tại các bàn ăn. Bầu khí ngập trong tình thương và sự vui vẻ, không còn ai lưu tâm đến cái nóng không mấy dễ chịu của xứ Huế nữa.
Tối 31.5.2014, chị em trong Dòng lại cùng nhau vui Chợ Quê trước khoảng sân rộng của Hội Dòng. Các chị cựu tu sinh, trong những trang phục hóa trang của những vị Hoàng thượng, Quan hầu, phi tần, mỹ nữ cũng tham gia góp vui cho đêm nay. Những món ăn dân giã tùy sự ưa thích của mỗi người, ai nấy tự chọn cho mình những gì ngon miệng, cùng nhau chia sẻ trong tiếng cười vui và hạnh phúc của đời dâng hiến.
Mãi muôn đời, xin dâng lời cảm tạ!
Tình thương Chúa luôn đậm đà, thiết tha!
Qua Cha Sáng Lập và muôn vàn vị khác,
Đoàn con đây xin tâm thành ghi tạc hoài.
Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment