Tin tức Công Giáo - Quệt vội dòng nước mắt, bà Maria Nguyễn Thị Hanh, làng xóm thường gọi là bà Liên, chia sẻ với người viết về nỗi đau mất chồng và bốn người con vì bệnh nan y. Khuôn mặt nhăn nheo theo sự gian truân của dòng đời. Thế nhưng, bà mẹ Công Giáo này vẫn một lòng tin tưởng, phó thác vào tình yêu Thiên Chúa và sự dẫn dắt của Mẹ Maria.
Sau ba tiếng lắc lư trên chiếc xe buýt cuối tuần, tôi đặt chân tới giáo xứ Bảo Sơn, thuộc thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc, khi mặt trời đã lên tới đỉnh.
Bảo Sơn là một giáo xứ lớn cả về “tâm” lẫn “tầm”. Có “tầm” vì là một họ đạo gần 2,000 nhân danh cùng với ngôi nhà thờ sừng sững ngay bên đường lớn gần Khu công nghiệp đang phát triển; “tâm” lớn vì ở nơi đây có những con người đã làm cho đất chúng ta trổ sinh những hoa trái tốt lành.
‘Vị lương y “hơn” từ mẫu’
Qua con đường dọc hai bên là đồng lúa, vòng theo ngõ nhỏ được đổ bê tông, người viết đến được nhà bà Maria Hanh (80 tuổi) chỉ qua một lần hỏi thăm.
Bà Hanh làm nghề y sĩ tư nhân. Khi 17 tuổi, bà đi học ngành Tây Y ngoài trường huyện. Suốt thời trẻ và cho tới hiện tại, bà vẫn được coi là một “cô hộ sinh” có bàn tay vàng. Bà thường nắn thai, khám thai và đỡ đẻ cho phụ nữ quanh vùng. Bàn tay của bà đã nắn cho biết bao thai nhi ngược thành xuôi, đỡ nâng cho biết bao đứa trẻ “ương bướng” trong bụng chào đời vuông tròn. Ngày trước, mỗi khi trạm xá có ca nào khó sinh, bà thường được mời ra giúp đỡ các y tá ngoài đó.
Một bàn tay vàng như vậy có thể “hái ra vàng” theo cách hiểu của người đời. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm lặn lội ngày đêm làm một bác sĩ quê, bà vẫn phải tự lo cái ăn, cái mặc cho 7 người con trong một căn nhà nhỏ bé, đơn sơ. Bà còn kể, nhiều ngày bà phải đi đỡ năm ca đẻ rồi gồng ghánh thêm một mẫu hai ruộng cấy hái. Vất vả như vậy nhưng bà vẫn phục vụ nhiệt tình với những bệnh nhân đến và cần tới bà. Bà không lấy tiền khám, chữa bệnh, bà chỉ lấy vài đồng lẻ tiền thuốc vì “cái thứ đó bà không làm ra được”.
Nhiều người phụ nữ đến đây để nhờ bà giúp họ những biện pháp ngừa thai như đặt vòng hay thậm chí là bỏ thai nhi. Những lúc đó, người lương y này không chỉ là một bác sĩ đơn thuần mà còn là một sứ giả của Chúa để cứu vớt các linh hồn. Bà ôn tồn phân tích cho các cô gái về những tác hại của thuốc tránh thai và di chứng hậu phá thai. Bà còn hứa sẽ chăm sóc thai và khám và cắt thuốc miễn phí cho tới khi em bé cất tiếng khóc ngoài dạ mẹ. Nhiều người không nghe theo lời bà mà vẫn tìm cách bỏ đứa bé trong bụng. Khi ấy, bà cầu nguyện cho những người mẹ đã tước đi quyền sống của chính con mình.
Bà không chỉ là một bác sĩ về phần xác của bệnh nhân mình nhưng còn là người chữa trị cả phần rỗi của họ. Vị lương y ấy kể: “bà không chỉ muốn mình trở thành một bác sĩ đơn thuần mà còn là một bác sĩ Công Giáo, một bác sĩ như lòng Chúa ước mong.”
‘Bà cố của hai thầy tu’
Trong lúc chờ bà khám bệnh, tôi đi lòng vòng quanh nhà. Thấy có nhiều tấm hình của tu sĩ dòng Đồng Công nên tôi bèn hỏi bà. Bà kể cho tôi về hai người con trai đã dâng mình cho Chúa trong dòng Đức Mẹ Đồng Công.
Người con thứ nhất của là thầy Đaminh Nguyễn Minh Lương nhưng đổi tên thành Nguyễn Lương Tâm. Thầy Tâm đi tu từ thời Đức Hồng Y Phao-lô Phạm Đình Tụng đang là giám mục giáo phận Bắc Ninh. Thời tiểu học, cậu đã có ý muốn dâng mình cho Chúa. Theo chân các cô tận hiến trong xứ, thầy đi về toà giám mục để học thêm. Sau đó, thầy đã theo học âm nhạc tại trường trung cấp nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi học xong, thầy theo tiếng gọi của Chúa dâng mình vào trong dòng Đức Mẹ Đồng Công.
Thầy Đaminh Nguyễn Minh Lương - Thầy Antôn Pađua Maria Nguyễn Xuân Hán
Người em trai của thầy là Antôn Pađua Maria Nguyễn Xuân Hán (đã đổi tên) cũng muốn hiến dâng đời mình cho Chúa, thầy Tâm đã xin nhà dòng khấn tuần Chín ngày để Chúa soi sáng cho em trai của mình. Thế rồi, người em cũng đã quyết định bỏ lại tất cả để xin vào nhập tu. Cả hai thầy đều đã trở thành tu sĩ dòng Đồng Công.
Khó khăn nhưng vẫn luôn cậy tin
Nhìn bà, ít ai có thể đoán được những vất vả, thử thách mà bà đã phải trải qua. Chồng bà mất sớm do căn bệnh hiểm nghèo. Cứ thế, bà đèo đẵng trên vai bảy người con và nuôi dạy khôn lớn trong cảnh mất đi kèo cột gia đình. Khó khăn lại trải dài như để thử thách lòng người mẹ. Chỉ trong vài năm gần đây, mái tóc bạc dần của bà lại phải nói lời tạm biết những mái đầu còn xanh. Bốn người con của bà ra đi cũng vì căn bệnh giống cha mình. Không bác sĩ nào lý giải nổi nguyên do căn bệnh. Chỉ biết rằng, vào một khoảng thời gian, chân của người mắc căn bệnh này yếu dần và không thể đi lại được. Cứ vậy, thời gian thoáng qua để đưa họ về với Chúa.
Có người mẹ nào mà không đau đớn khi phải chứng kiến cái chết của con mình. Tôi thiết nghĩ, hẳn bà đau khổ và tuyệt vọng nhiều lắm khi Chúa gửi cho bà những thách thức này. Nhưng không, bà luôn noi gương Đức Mẹ để có thể chung phần đau khổ với Đức Giê-su Ki-tô.
Bà bảo: “Khi Chúa Giê-su chịu chết trên đồi Can-vê, Đức Mẹ vẫn đứng dưới chân Thập Giá, nhìn con mình bị sỉ nhục, bị đóng đinh, bị quân dữ đâm cạnh nương long… Khi ấy, Đức Mẹ đau đớn là dường nào. Những gì bà chịu có đáng là gì đâu cháu. Các con nhà bà còn được nằm viện, được chạy chữa, có thuốc có thang. Chúa Giê-su thì chẳng có gì đâu cháu à.” . Bà còn nói với tôi rằng, khi Chúa ban cho bà những thử thách ấy, bà lại càng cậy dựa vào Chúa nhiều hơn, càng hiểu hơn tiếng xin vâng của Đức Mẹ khi xưa.
Hằng ngày, sau khi đi lễ, đọc kinh chung với gia đình, bà thường viếng Mười Bốn đàng Thánh Giá tại nhà. Nhà dòng Đồng Công đã tặng bà tượng mười bốn đàng Thánh Giá làm bằng gỗ để treo tại gia đình. Bà coi đó không chỉ là đồ trang trí nhưng còn là nơi nương bám của bà mỗi ngày. Vì chỉ khi cầu nguyện với Chúa, con người ta mới cảm nhận được đau khổ mình chịu là hồng ân, Thánh giá là những đóa hoa.
Tuy vậy, sức con người yếu đuối. Bà tâm sự rằng nhiều lúc bà thấy buồn tủi khi nghĩ về những người con của mình; đặc biệt là thầy Đa-minh Nguyễn Lương Tâm đã qua đời cách đây một tháng. Có những lúc, kỷ niệm về những người con thoáng qua trong tâm trí bà, bà lại đọc ba kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng để dâng lên Đức Mẹ, dâng lên Chúa những yếu hèn của bản thân và lỗi lầm của con cái bà đã qua đời.
Bà chỉ cho tôi hàng cau mà thầy Đa-minh đã tự tay trồng để bà có quả mà ăn trầu. Bà kể về ngày ấy, một mình thầy đào đất trước cửa nhà cả một ngày trời, tự tay vun xới để hàng cau có thể lớn tốt. Sau ngày đó, thầy được cha Bề Trên tỉnh dòng gọi trở về cộng đoàn và từ đó đi chữa bệnh và không về nhà nữa. Thầy qua đời cách đây một tháng và an nghỉ tại vườn thánh của nhà dòng.
Bà lại vội lau dòng nước mắt rồi lại nhắn với tôi đôi điều. Bà nói rằng: “Đừng cậy dựa vào sức mình mà kiêu ngạo cháu nhé! Mình chẳng làm được gì đâu. Chúa làm hết, làm hết mọi sự. Nếu không có Chúa, bà quỵ ngã từ lâu rồi.”
Tôi lặng mình để thấm nhuần lời nhắn nhủ ấy. Tôi đã biết, đã nghe và đã hiểu nhưng chưa “đã” làm. Những người từng trải thường nói cho thế hệ sau bằng cả trái tim và bằng cả cuộc đời của họ. Tôi chỉ biết gật nhẹ, dạ vâng rồi nhìn bà mà cảm phục. Bà, một người phụ nữ kiên cường, một người mẹ đầy hy sinh, một người Ki-tô hữu giàu lòng tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và là một con người khiêm hạ, chẳng lo vén thu cho cuộc đời mình.
Cái nắng hè tím dần theo chùm bằng lăng để tôi nói lời tạm biệt bà. Trên xe trở về, tôi lại ngẫm nghĩ về bà, một mẫu gương không chỉ cho tôi mà nhiều người phải soi hằng ngày. Tôi nhớ lời bà dặn, nhớ câu nói của bà trước khi về: “Lạy Chúa, con là người mẹ Công Giáo Việt Nam”. Giá như, tôi cũng có thế nói câu ấy trước mặt Chúa trong ngày cánh chung: “Lạy Chúa, con là người Công Giáo Việt Nam. Một người đất Việt biết mến Chúa và yêu người chỉ với cái cày, cái cuốc.”
Anna Nguyễn
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment